Trồng Trọt
Công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật, thụ phấn tăng năng suất cây trồng

Ngày 09 tháng 05 năm 2013, Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam hợp tác cùng chuyên gia Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) do Tiến sĩ KL. Heong và Tiến sĩ Monina M. Escalada phối hợp UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức sơ kết Chương trình "Công nghệ sinh thái và bảo tồn ong mật, thụ phấn tăng năng suất cây trồng" lần đầu tiên tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam bộ và khu vực ĐBSCL.

Tại buổi sơ kết các chuyên gia và các nhà khoa học đã báo cáo việc ứng dụng mô hình “ Công nghệ sinh thái” trong sản suất lúa bằng cách trồng cây có hoa trên bờ ruộng để hấp dẫn và nuôi dưỡng ong ký sinh sâu hại lúa đến hút mật và phấn hoa, sau đó bay trở lại ruộng tìm sâu hại để đẻ trứng, giúp tiêu diệt sâu rầy, bảo vệ sản xuất và tạo sinh cảnh đẹp vì bờ ruộng có hoa. Nhờ vậy mà nông dân không cần phun thuốc bảo vệ thực vật, trừ trường hợp cấp thiết nhất mới phải sử dụng theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng đưa ra vai trò của việc áp dụng công nghệ sinh thái gắn kết với bảo tồn đàn ong mật - tác nhân thụ phấn, tăng năng suất cây trồng nói chung và trên cây lúa nói riêng. Qua nghiên cứu thực tế sản xuất đều khẳng định ong mật là loài côn trùng có ích thụ phấn hoa cho cây trồng, 1/3 lương thực thế giới có được là nhờ con ong; các loại cây trồng như: mè, nhãn, chôm chôm, mận , bắp, lúa,… đều giúp việc nuôi ong tốt, giúp thụ phấn cây trồng, vừa có lợi cho người nuôi ong và cả người trồng nhờ tăng năng suất và chất lượng trái tốt.
Tham dự sơ kết, Cục trưởng cục Bảo vệ thực vật chỉ đạo Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và các Chi cục tiến hành tổng kết, đánh giá hiệu quả của chương trình “Công nghệ sinh thái” để công nhận tiến bộ kỹ thuật mới; các  địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình “Công nghệ sinh thái” trên lúa, tiếp tục tuyên truyền lợi ích của ong mật làm thụ phấn tăng năng suất cây trồng cho bà con nông dân an tâm sản xuất, tạo môi trường thân thiện giữa đàn ong và cây trồng, giữa người trồng cây và người nuôi ong nhằm góp phần tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và đề nghị các Viện, trường nên mở rộng nghiên cứu chương trình “Công nghệ sinh thái” trên nhiều đối tượng cây trồng khác.

Chi cục BVTV



CÁC TIN KHÁC: